TỔNG QUAN
Giới thiệu chung về xã Lê Lợi
18/10/2021 04:05:17

Xã Lê Lợi nằm về phía Tây Nam huyện, phía Bắc giáp xã Yết Kiêu phía Nam giáp xã Phạm Trấn, Đoàn Thượng, phía Đông giáp Thị trấn Gia Lộc, Toàn Thắng. Phía Tây giáp Phạm Trấn và xã Cổ Bì huyện Bình Giang. Xã có diện tích tự nhiên 636,51 ha; dân số 6837 nhân khẩu. Xã có 7 làng: Lại, Già, Chuối, Dôi Hống, Anh, Bùi Thượng và Bùi Hạ với 87 dòng họ sồng quần tụ từ lâu đời cùng nhau đoàn kết xây dựng mảnh đất quê hương.

Lê Lợi có di tích lịch sử là đình Bùi Hạ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2000; đình thờ danh tướng Trương Công Nghệ, sinh ngày mồng 10 tháng Giêng năm Quý Tỵ, có công giúp vua Triệu Việt Vương đánh giặc, được phong chức “Đống Binh Nguyên Soái Đại tướng quân” và được nhân dân địa phương tôn làm Thành Hoàng làng. Di tích lịch sử đình Bùi Thượng được UBND tỉnh Hải Dương công nhận năm 2021

Xã là địa phương duy nhất của huyện có môn nghệ thuật truyền thống múa rối nước có từ lâu đời nhưng vẫn được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay. Rối nước ở Bùi Thượng có những nét đặc thù khác với các phường rối khác của đồng bằng châu thổ Sông Hồng, đây là nơi còn lưu giữ những con rối cổ có tuổi đời hàng trăm năm như: rước kiệu, rắn, tễu…

 
 Nhà thủy đình múa rối nước xã Lê Lợi
 
 

Nhằm duy trì và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống, năm 2000 địa phương đã xây dựng được nhà thuỷ đình và cải tạo khu ao làm nơi biểu diễn rối nước ngay tại trung tâm xã. Rối nước Bùi Thượng đã tổ chức biểu diễn thường xuyên phục vụ các Lễ hội và nhân dân trong vùng, đã tham gia các hội diễn liên hoan ở tỉnh, fertival Huế 2004.

Từ xa xưa, trên miền đất này đã có chợ Anh Chuối là nơi buôn bán sầm uất của cả một vùng vẫn còn được duy trì cho tới ngày nay.

Năm 1948 Chi bộ Đảng đầu tiên của đảng bộ xã được thành lập có 5 đảng viên, đến nay tổng số đảng viên của Đảng bộ có 320 đồng chí; Tổng số đảng viên được tặng huy hiệu 140 đồng chí. Trong đó huy hiệu 70 năm có 02 đồng chí, 65 năm 01 đồng chí; 60 năm có 9 đồng chí; 55 năm có 13 đồng chí; 50 năm có 26 đồng chí; 45 năm có 16 đồng chí; 40 năm có 24 đồng chí và 30 năm 49 đồng chí.

Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã có 131 liệt sĩ, 69 thương, bệnh binh, 17 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là xã có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất huyện.

Ngày nay, xã có 3 trường học (trường Mầm non, tiểu học, THCS) trong đó: Trường Mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2019; Trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2016 và Trường Trung học cơ sở được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017; xã có thầy giáo Nguyễn Văn Huệ được vinh danh danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1992; Trạm y tế và y tế xã đạt chuẩn quốc gia năm 2004; nghĩa trang liệt sỹ được trùng tu năng cấp khang trang gồm: đài Tổ quốc ghi công, hai nhà bia khắc tên liệt sĩ, 180 phần mộ trong đó 33 ngôi mộ liệt sĩ vô danh.

Người dân Lê Lợi đã và đang góp sức chung tay cùng nhau từng xây dựng khối đoàn kết trong xóm, ngoài làng, từng bước tạo nên một diện mạo mới trên quê hương, đến năm 2019 xã Lê Lợi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

- Làng Bùi Th­ượng.

Xưa kia thuộc làng Bùi Xá (làng Bùi Xá có 2 thôn là Thượng thôn và Hạ thôn) thuộc tổng Lạc Thị huyện Gia Lộc, là làng có từ lâu đời, Thượng thôn còn có tên gọi là làng Bùi Thượng, từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay làng thuộc xã Lê Lợi.

Xưa kia, làng có một ngôi đình thờ thành hoàng làng là Tế Công hiệu là Thượng đẳng Thần phúc thần hiển ứng quảng tế Đại Vương là người có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương.

 
 Đình làng Bùi Thượng
 

Theo truyền thuyết kể lại rằng: Sau khi giúp vua đánh tan quân giặc ông trở lại quê hương và hoá (về giời), được nhân dân tôn làm thành hoàng, ông được vua Triệu Vương tiếc thương bậc đại công thần phong " Vạn cổ thượng đẳng phúc thần đồng giữ quốc tế" và tặng đôi câu đối:

Cái thế anh hùng kim cổ hãn

Tại nhân huân tích địa thiên tràng.

Lễ hội hàng năm của làng được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Hai âm lịch ( ngày sinh) và mồng 7 tháng Ba âm lịch (ngày hoá); trước đây người dân trong làng có tục kiêng tên huý của Ngài.

Làng có môn nghệ thuật truyền thống múa rối nước nổi tiếng trong vùng, đến nay vẫn được nhân dân trong làng gìn giữ và tiếp tục phát triển.

Trong sự nghiệp cách mạng, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng... có 35 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn liệt sỹ, 17 thương, bệnh binh. Làng có 4 bà mẹ là Phạm Thị Tí, Nguyễn Thị Gái, Trần Thị Tiện, Trần Thị Quyền được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Làng đã xây dựng được quy gồm 5 chương, 42 điều năm 2004.

- Làng Bùi Hạ.

Xưa kia là một thôn của làng Bùi Xá (làng Bùi Xá khi đó có 2 thôn là Thượng thôn và Hạ thôn) thuộc tổng Lạc Thị huyện Gia Lộc, là làng có từ lâu đời, Hạ thôn còn có tên gọi là Bùi hạ. Sau cách mạng Tháng Tám, làng thuộc xã Lê Lợi cho đến ngày nay.

 

Đình làng Bùi Hạ

             Làng có ngôi đình thờ thành hoàng hiệu là Thánh Bẩm Đống nghệ đại nguyên suý Gia bản thượng tướng quân, huý là Nghệ Công là người cùng anh ruột là Tế Công có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương, khi hoá Ngài được nhân dân tôn làm thành hoàng. Lễ hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng Giêng (ngày sinh) và 20 tháng Chạp (ngày hiển thánh).

Xưa kia, làng có một ngôi chùa tên là Hàm Long thờ 3 vị đức thánh mẫu là: Nhất vị Nguyên Tặng Hoằng thí phổ độ anh linh tính chinh diệu hoá trang huy rực bảo trung hưng Liễu hạnh công chúa Thượng đẳng thần; nhị vị Nguyên tặng thần thông linh cảm ỷ nhu huệ tĩnh trai tĩnh rực bảo trung hưng quỳnh cung Duy Tiên phu nhân trung đẳng thần trước gia Trang huy thượng đẳng thần; tam vị nguyên tặng linh quang huyền diệu tĩnh nhu đoan khiết trai tĩnh rực bảo trung hưng quảng cung Quế Anh phu nhân trung đẳng thần, trước gia tặng Trung huy thượng đẳng thần.

Trong suốt chặng đường kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhân dân Bùi Hạ đã huy động sức người, sức của đóng góp cho sự nghiệp chung của toàn dân tộc, có hàng trăm người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, 15 người con đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 19 thương, bệnh binh.

Làng đã xây dựng đ­ược quy ư­ớc gồm 5 ch­ương, 37 điều năm 2003.

- Làng Già.

 
 Cổng làng Già

Xưa có tên là Tự Luân, tên nôm là làng Già thuộc tổng Lạc Thị, huyện Gia Lộc, sau cách mạng Tháng Tám đến nay, làng thuộc xã Lê Lợi.

Xưa kia làng có một ngôi đình, một ngôi miếu thờ 4 vị thành hoàng là: Nhất vị tên gọi là Đông Hải phổ tế chiêu hựu chính thân tối linh bàng lộ Đại Vương, tên huý là Đoàn Thượng; nhị vị là Ả Lộ Đại Vương; tam vị là Chàng La, tứ vị là Chàng Vàng ( chỉ có Đoàn Thượng là nhân thần, 3 vị kia là thiên thần). Lễ hội làng hàng năm được tổ chức vào các ngày tuần tiết trong năm.

Trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, làng có hàng trăm người đã tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, công nhân hoả tuyến, công nhân quốc phòng... 20 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 9 thương binh; 5 bệnh binh; làng có 2 bà mẹ là Phạm Thị Thú và Phạm Thị Khoái được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hùng.

Làng đã xây dựng được quy ước gồm 5 chương, 40 điều năm 2003.

- Làng Lại.

 
 Quang cảnh làng Lại
                Là một làng nhỏ, cùng với sự biến động của thời gian nhưng đến nay làng vẫn giữ được cảnh quan của một làng quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, làng có hàng trăm người đã tham gia bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, công nhân hoả tuyến, công nhân quốc phòng... 18 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 18 thương, bệnh binh; làng có 3 bà mẹ là Phạm Thị Tuyết, Phạm Thị Hương, Phạm Thị Thẻ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hùng.

Làng đã xây dựng được quy ước gồm 6 chương, 49 điều năm 2004.

- Làng Dôi Hống

Căn cứ Quyết định số 1661/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thành lập các thôn mới trên địa bàn các xã trực thuộc huyện Gia Lộc; theo đó kể từ ngày 01/6/2021 thôn Dôi và thôn Hống sáp nhập thành thôn Dôi Hống. Lịch sử hình thành làng Dôi Hống được xây dựng trên cơ sở làng Dôi và làng Hống cũ:

+ Làng Dôi cũ

Là một ngôi làng nhỏ, có từ lâu đời, xưa kia làng có tên chữ là Nha Khê, hay còn gọi là Ngọc Đôi, tên nôm gọi là làng Giôi thuộc tổng Lạc Thị huyện Gia Lộc, sau cách mạng Tháng Tám đến nay, làng thuộc xã Lê Lợi.

 
 Cây gạo cổ thụ trên cánh đồng làng Dôi cũ
 
             Xưa kia, đình và miếu làng thờ 5 vị thành hoàng: vị thứ nhất là Đang Cảnh thành hoàng giám sát thiện thắng tôn thần, vị thứ hai là đang Cảnh thành hoàng Oai thắng tôn thần, vị thứ 3 là Đang Cảnh thành hoàng đại huyền đô làng thánh chúa tôn thần; vị thứ ta Lý Triều huyền hựu Quang Ngọc Công chúa tôn thần; vị thứ 5 là Lý triều thái tử Từ Hạ tôn thần.

Cả 5 vị thành hoàng làng từ xưa đến nay đều không có bia ký, thần phả, không rõ quê quán, thân thế, sự nghiệp mà chỉ truyền khẩu: tương truyền 5 vị là người có công giúp nhà Lý đánh giặc Tống xâm lược. Lễ hội làng hàng năm được tổ chức vào mồng 6 tháng Một âm lịch (ngày sinh) và mồng 2 tháng Chạp (ngày hoá)

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ, xây dựng Tổ quốc làng có trên 50 người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong... chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có 8 người con đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sĩ, 7 thương, bệnh binh.

Làng đã xây dựng được quy ước gồm 5 chương, 29 điều năm 2004.

- Làng Hống cũ.

 
 Quang cảnh làng Hống cũ

Xưa kia làng có tên chữ là Lạc Thị, tên nôm gọi là làng Hống thuộc tổng Lạc Thị huyện Gia Lộc. Từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay làng thuộc xã Lê Lợi.

Xưa kia, đình và miếu làng thờ 2 vị thành hoàng là Đông Hải Đoàn Thượng thượng đẳng thần và Đức thánh Đoàn Đại Đức.

Trong văn bia chỉ có tiểu sử của Đoàn Thượng còn Đoàn Đại Đức thì không. Lễ hội truyền thống của làng được tổ chức hàng năm vào các ngày: mồng 4 tháng Giêng (là ngày sinh), 13 tháng Chạp (ngày hoá), 14 tháng 5 âm lịch (là ngày hiển thánh). Nhân dân trong làng có tục kiêng huý 4 chữ: Thượng, Đại, Hoà, Ngọc khi nói, khi đọc phải gọi chệch đi.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, nhiều người con đã hăng hái lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, 9 người đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ; làng có 3 bà mẹ là: Mẹ Phạm Thị Giữa, Nguyễn Thị Hến, Phạm Thị Đoan được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngày nay, người dân làng Hống tiép tục phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh cách mạng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất cùng nhau xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh. Làng đã xây dựng được quy ước gồm 5 chương, 34 điều năm 2004.

- Làng Chuối.

 
 Quang cảnh làng Chuối

Làng Chuối là ngôi làng có từ lâu đời, làng có tên chữ là Chuế Khuê, tên nôm gọi là làng Chuối thuộc tổng Lạc Thị huyện Gia Lộc. Từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay làng thuộc xã Lê Lợi, làng có 10 dòng họ sống quần tụ, đoàn kết bên nhau dựng lên mảnh đất này. Trước đây, làng có 2 xóm là: xóm Trong và xóm Ngoài, đến nay, làng có 3 xóm: xóm Trong, xóm Ngoài và xóm Chùa. 

            Xưa kia, đình và miếu làng là nơi thờ thành hoàng làng, Ngài có tên huý là Đại Đình linh ứng Môn tự thông đạt Nghiêm quang hiển dương Đại đô hoàng đế tứ vị Đại Vương là nhân thần. Về sự tích thành hoàng không rõ vì không có bia ký, thần phả, tương truyền Ngài thác ngày mồng 10 tháng Mười âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội thường có tế lễ, rước kiệu, rước chạ...

Người dân làng Chuối từ xa xưa đã sớm biết gây dựng lên và giữ gìn những giá trị văn hoá tinh thần của người dân trong làng như: họp chợ, làm quán, bắc cầu...Làng xưa có một phường hát chèo, có một ngôi chùa, trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá đến nay không còn.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, người dân làng Chuối đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến... đã có 18 người con ưu tú của làng đã anh dũng hy sinh được suy tôn là liệt sĩ, 13 thương, bệnh binh, mẹ Vũ Thị Bún được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm người được tặng thưởng huân huy chương các loại.

Đất nước thống nhất, nhân dân làng Chuối tập trung phát triển kinh tế, xây dựng kiến thiết cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên xoá đói giảm nghèo. Làng có thầy giáo Nguyễn Văn Huệ được vinh danh danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” (9/11/1992).

Làng đã xây dựng đ­ược quy ư­ớc gồm 5 ch­ương, 53 điều năm 2004.

- Làng Anh.

Xưa làng có tên chữ là Phương Quế, tục gọi là làng Anh, làng có 2 thôn: Trung thôn và Lập thôn thuộc tổng Lạc Thị, huyện Gia Lộc, từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay làng thuộc xã Lê Lợi .

 

Cây đa cổ thụ của làng

             Xưa kia, đình làng thờ 2 vị thành hoàng: Đức thánh cả hiệu là Dương cảnh thành hoàng, Cương chính duệ chí từ tế minh tín, Hiển dịu anh minh hộ quốc an dân vị tích tế thế, Hoằng hưu triệu mưu tá tích hùng đoán, Dương vũ phụ quốc, Bồi cơ đô gia tặng bản cảnh thành hoàng Dinh Phù đại Vương; Đức thánh hai hiệu là Dương cảnh thành hoàng ứng phúc thông thánh đại cư sĩ phù vân dực thánh, Khuông phù bái tế, khang dân uy dũng, chợ thắng phong công, tá tích vĩnh phúc, tuy lộc an dân, tế vật gia tặng cương nghị chí dũng đại vương. Các ngài đều là thiên thần, sự tích không rõ, ngày tế lễ theo các tiết trong năm.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, người dân làng Anh đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến... đã có 13 người con ưu tú của làng đã anh dũng hy sinh được suy tôn là liệt sĩ, 5 thương, bệnh binh, Mẹ Đoàn Thị Xuyến được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.

            Làng đã xây dựng được quy ước thôn gồm 5 chương, 38 điều.
 
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ LÊ LỢI- HUYỆN GIA LỘC

Trưởng Ban Biên tập: Ông Đoàn Duy Việt - Chủ tịch UBND xã.

Địa chỉ: Xã Lê Lợi, Huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 02203715004

Email: ubndxaleloigialoc@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 3
Tất cả: 225,637